Tìm hiểu nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản

Đời sống

Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào, không chỉ nổi tiếng với hãng điện tử, công nghệ lớn như Sony, Toshiba… mà còn nổi tiếng với các phong tục, truyền thống văn hóa đặc sắc. Một trong số đó là nghệ thuật cắm hoa Ikebana.

Nghệ thuật cắm hoa ikebana hay còn gọi là Hoa đạo bắt nguồn từ khoảng thế kỉ 15. Một người tên là Ono no Imokodu đã du nhập nghi thức dâng hoa cho Đức Phật từ Trung Hoa vào thế kỉ 7. Sau đó nhà Ikenobo đã nhận mình là con cháu của ông, tiếp tục cắm hoa dâng cúng trong các nghi lễ tôn giáo. Đến giữa thế kỉ 15, nhà Ikenobo đã phát triển hình thức cắm hoa này thành một phong cách cổ điển, và trở thành trường phái đầu tiên của nghệ thuật cắm hoa Ikebana – trường phái Ikenobo. Sang thế kỉ 16, một trường phái mới xuất hiện là Rikka. Tiếp đến một hình thức cắm hoa trong giới trà đạo mang tên Nageire ra đời. Sang thế kỉ 17, xuất hiện thêm trường phái Shoka (hay còn gọi là Seika), là sự kết hợp giữa Nageire và Rikka, trở thành trường phái Ikebana phổ biến nhất thế kỉ 18.

Vào thời Minh Trị, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên Ikebana có phần bị lấn át. Tuy nhiên, nó đã được hồi sinh và trở lại mạnh mẽ vào cuối thế kỉ 19. Cho đến nay, Ikebana đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật. Ước tính có khoảng 3000 trường phái Ikebana đang hoạt động, thu hút 15-20 triệu người theo học, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 18 – 26. Có 3 trường phái nổi bật là Ikenobo, Ohara và Sogetsu.

Kết quả hình ảnh cho Ikebana – nghệ thuật cắm hoa lâu đời ở Nhật Bản

Ikebana – nghệ thuật cắm hoa lâu đời ở Nhật Bản

Trong đời sống của người dân đất nước mặt trời mọc, thiên nhiên có vai trò rất quan trọng. Người Nhật rất yêu quý, nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên. Vì vậy, dù trong cuộc sống công nghệ hiện đại, giữa những tòa nhà bê tông và đường tàu điện, họ vẫn muốn thấy thiên nhiên ở bên cạnh. Ikebana chính là biểu trưng cho thiên nhiên mà người Nhật muốn mang vào nhà. Mỗi chậu hoa, bình hoa, mỗi cành hoa, hòn đá sử dụng trong Ikebana đều để diễn tả lại một khung cảnh thiên nhiên nào đó.

Nếu cách cắm hoa của người phương Tây chỉ chú trọng đến số lượng và màu sắc hoa, nhấn vào vẻ đẹp của bông hoa thì Ikebana của người Nhật lại thể hiện nét đẹp văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, sự tinh tế ở một cấp bậc cao hơn. Ikebana là tổng hòa của các yếu tố như bố cục, vật liệu, đường nét. Người Nhật không chỉ sử dụng hoa và lá, mà còn dùng cả các cành cây khô, hòn đá, khúc cây… để đưa vào tác phẩm của mình. Thường người cắm hoa phải tốn rất nhiều công sức, thời gian tìm kiếm những nguyên liệu phù hợp để thể hiện được hình ảnh mình muốn miêu tả. Có khi hàng tháng trời phải lang thang trong núi, hoặc bỏ cả đống tiền để mua một khúc gỗ. Chưa hết, cách cắm hoa phải biểu thị được cả dòng chảy của thời gian dựa vào trạng thái sinh trưởng của các nguyên liệu. Ví dụ quá khứ thì dùng cành khô, hoa sắp tàn; hiện tại thì dùng hoa nở vừa đủ; tương lai thì dùng nụ hoa, mầm cây… Mỗi mùa cũng có một cách sắp xếp riêng.

Kết quả hình ảnh cho Ikebana phải thể hiện cả dòng chảy thời gian trong đó

Ikebana phải thể hiện cả dòng chảy thời gian trong đó

Về cơ bản, Ikebana gồm 3 nhóm hoa và cành lá tượng trưng cho sự hài hòa của 3 yếu tố trong đời sống: Thiên – Địa – Nhân (Trời – Đất – Người). Nhóm ở giữa sẽ tượng trưng cho Trời, cắm thẳng đứng. Hai nhóm còn lại là Đất và Người sẽ cắm đối nhau nghiêng sang 2 bên. Đường nét quan trọng nhất của một tác phẩm Ikebana là Trời, nên thường cành hoa ở giữa sẽ được lựa chọn cẩn thận và công phu nhất, thường là cành to nhất và nổi bật nhất. Điều đặc biệt là cả 3 phần đều phải được cắm chung vào 1 bộ phận gọi là gốc ở giữa của chậu hoa, thể hiện tất cả đều từ một nguồn gốc mà ra.

Có thể nói, Ikebana đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Nhìn vào một tác phẩm Ikebana, ta không chỉ thấy tình yêu đối với thiên nhiên của người Nhật mà còn là những triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc trong đó.