Danh nhân văn hóa là những con người, những nhân vật nổi tiếng, kiệt xuất, có cống hiến lớn lao cho nền văn hóa dân tộc, được lịch sử, dân tộc biết đến, ghi nhận và đánh giá cao. Họ là đại diện, biểu trưng cho một nền văn hóa dân tộc. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu 4 danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh qua bài viết dưới đây nhé!
Contents
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Người đã trở thành biểu tượng toàn vẹn của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng tận tụy vì nước, vì dân. Đối với bạn bè quốc tế, Người là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công.
Xem thêm về: văn hóa xếp hàng của người Nhật
Ngoài ra, chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới. Từ đó, giúp cho mọi người dân Việt Nam ai cũng được học hành, từng bước nâng cao trình độ văn hóa của cả dân tộc.
Ở chủ tịch Hồ Chí Minh người ta thấy “toát ra một nền văn hoá của tương lai, toát ra sự kết tinh những giá trị văn hoá cao đẹp của cả phương Đông và phương Tây”.
Danh nhân Nguyễn Du
Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại Kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội).
Năm 1783, ông thi đỗ Tam trường. Ông từng giữ chức vụ như: Đông Các đại học sĩ, Cần Chánh Đại học sĩ (trong thời gian này ông được cử đi sứ Trung Quốc), Hữu Tam Tri Bộ Lễ…
Không chỉ nổi tiếng trong nền văn học nước nhà, Đại thi hào Nguyễn Du còn được cả thế giới biết đến và công nhận. Tác phẩm “Truyện Kiều” của ông đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập, Nga…) với trên 60 bản dịch khác nhau.
Ngoài tư cách là một nhà thơ, đại thi hào còn là danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với quê hương.
Danh nhân Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai sinh, quê ở Hải Dương. Ông là con cháu của một dòng tộc nhiều đời là võ quan cao cấp dưới nhiều triều đại.
Đọc thêm: Văn hóa dân tộc
Nguyễn Trãi có nhiều đóng góp vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, một nhà quân sự, chính trị và nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Tài năng của ông trải đều trên các lĩnh vực, được hậu thế kính phục.
Nguyễn Trãi là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần quan trọng giúp cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi cũng được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam.
Ngoài ra, danh nhân Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Ông để lại rất nhiều trước tác văn chương cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và phong phú về thể loại bao gồm nhiều lĩnh vực như: văn học, lễ nghi, lịch sử, địa lý, luật pháp,…
Danh nhân Chu Văn An
Chu Văn An (1292-1370) tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ông được đánh giá là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam. Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Danh nhân Chu Văn An là người chính trực, không màng danh lợi. Dù thi đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) vào đời Trần Minh Tông (1314-1329) nhưng ông không ra làm quan mà trở về quê nhà mở trường dạy học – trường Huỳnh Cung.
Chọn nghề giáo, nhưng Chu Văn An không sống lẩn tránh, quay lưng lại thời cuộc như đa số các văn sĩ thời bấy giờ. Ông nhập thế với ý thức của một trí thức Nho giáo rất rõ ràng, chỉ có điều bằng con đường riêng của mình – con đường dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về 4 danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Họ là những đại diện tiêu biểu có sức ảnh hưởng vô cùng lớn tới Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều danh nhân kiệt suất chưa được kể đến, hãy cùng chúng tôi khám phá trong những bài viết tiếp theo nhé!