Ấn tượng với nền văn hóa độc đáo của Mông Cổ

Đời sống

Chắc hẳn chúng ta ít nhiều cũng biết đến đất nước Mông Cổ qua các bộ phim với thảo nguyên xanh bát ngát, với Thành Cát Tư Hãn… Nhưng đó chỉ là Mông Cổ trong quá khứ, vậy Mông Cổ ngày nay là đất nước như thế nào?

Với các bạn mê phim kiếm hiệp, chắc hẳn sẽ nhớ đến Mông Cổ trong bộ phim nổi tiếng “Anh Hùng Xạ Điêu” với thảo nguyên, vó ngựa, cuộc sống du mục. Nhưng không chỉ có vậy, Mông Cổ hiện nay còn nhiều nét văn hóa đặc sắc nữa.

Vai trò của phụ nữ được đề cao

Với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản hay chính Việt Nam, người đàn ông là trụ cột kinh tế trong gia đình và người phụ nữ sẽ chăm lo con cái và đời sống của mọi người trong nhà. Nhưng ở Mông Cổ, phụ nữ lại là những người chủ chốt tổ chức kinh tế, còn đàn ông sẽ lo luyện cung kiếm, đánh trận. Vai trò của người phụ nữ được đề cao trong xã hội. Những vị pháp sư có ảnh hưởng tôn giáo lớn trong bộ lạc cũng là phụ nữ. Nổi tiếng nhất phải nói đến bà ManduKhai Khatun. Bà là vợ một hậu duệ Thành Cát Tư Hãn và đã từng cùng chống mình chiến đấu dẹp loạn lạc vào cuối thế kỉ 15, thống nhất lại Mông Cổ.

 

Hình ảnh có liên quan

Ở Mông Cổ, người phụ nữ có vị trí cao

Cuộc sống du mục

Từ xa xưa cho đến nay, người Mông Cổ vẫn duy trì cuộc sống du mục trên các thảo nguyên rộng lớn. Mông Cổ hiện tại chia thành 2 vùng: thành phố Ulaanbaatar hiện đại – nơi sinh sống định cư và vùng thảo nguyên với những đồng cỏ mênh mông – nơi sinh sống của những người dân du mục. Thành phố Ulaanbaatar là một trong những thành phố lạnh nhất trên thế giới, với nhiệt độ thường xuyên ở mức -15 độ C.

Cũng vì văn hóa du mục nên người Mông Cổ vẫn duy trì truyền thống cưỡi ngựa, bắn cung. Những đứa trẻ khi vào tầm 14 – 15 tuổi sẽ được truyền dạy các kĩ năng này. Ngoài ra, họ còn biết điều khiển chim đại bàng – “thủ lĩnh bầu trời” của Mông Cổ.

Nền ẩm thực hút hồn du khách

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã hạn chế nền nông nghiệp của Mông Cổ, nhưng họ vẫn có nền văn hóa ẩm thực du mục đặc sắc.

Nổi tiếng phải kể đến món hạt thông, món ăn truyền thống của Mông Cổ. Dân tộc Tsaatan sống ở vùng biên giới phía Bắc, chủ yếu là cao nguyên và sa mạc nên họ thường di chuyển theo mùa để tìm đồng cỏ. Khi qua những khu rừng thông, họ thu lượm hạt và nướng trên lửa. Ngày nay, họ sẽ thu hoạch trên cây hoặc các quả thông rơi rụng, phân loại, nghiền ra lấy hạt và mang về thành phố Ulaanbaatar để bán.

Ngoài hạt thông, Mông Cổ còn nổi tiếng là thiên đường của những món ăn chế biến từ thịt cừu và dê. Các sản phẩm sữa dê, sữa cừu cũng đều ngon và hấp dẫn. Đây cũng là nguồn lương thực chính của dân du mục. Nhưng như vậy sẽ là chế độ ăn rất nhiều đạm và chất béo, nên hạt thông là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất thay thế cho rau củ, cân bằng dinh dưỡng rất tốt.

Hình ảnh có liên quan

Mông Cổ nổi tiếng với thịt và sữa từ cừu, dê

Tập tục đón Tết

Mông Cổ là một trong số ít những quốc gia châu Á còn đón tết theo âm lịch. Một năm của họ có hai ngày tết quan trọng nhất là tết Tsagaan Sar và tết Naadam. Trong đó tết Tsagaan (hay còn gọi là tết Tháng Trắng) tính theo lịch Tây Tạng, báo hiệu kết thúc mùa đông lạnh lẽo và chào đón mùa xuân ấm áp. Đây là thời điểm cả gia đình quay quần bên nhau và thắt chặt thêm các mối quan hệ, giống như Tết cổ truyền của Việt Nam.

Trong ngày tết Tsagaan Sar, mọi người sẽ tập trung tại nhà người già nhất trong làng, tặng quà cho nhau. Rồi cùng ăn các món truyền thống như cơm với sữa đông, thịt cừu nướng, sữa ngựa lên men, rượu vodka trộn sữa…

Có thể thấy, Mông Cổ vẫn không thay đổi quá nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Và vẫn còn đó nhiều nét đẹp văn hóa mà ta chưa khám phá hết về đất nước nhỏ bé nhưng đặc biệt này.